Đằng sau những thống kê các công ty xổ số kiến thiết miền Nam lãi kỷ lục, thì người bán vé số phải tìm mọi cách để bán hết vé số, không dám trả lại vé số ế vì sợ mất kế sinh nhai.
Người bán vẫn phải “ôm” vé số ế
Tình trạng nhiều người bán vé số bị ế nhưng lại không dám trả lại, vì khi trả lại vé số ế các đại lý vé số sẽ cắt giảm số vé họ có thể lấy vào đợt sau, dẫn đến có thể mất thu nhập, có thể là mất luôn việc.
Bà Nguyễn Thị Năm (69 tuổi) đã bán vé số hơn 10 năm, tại Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết mỗi ngày bà nhận 300 tờ vé số là đi khắp các con đường để bán cho hết, không hết thì phải “ôm” (ôm là giữ lại vé số ế và chịu lỗ tiền). Trước có nghe thông tin đại lý nhận lại vé số ế, nhưng ngoài thực tế không ai dám trả lại và trả lại thì đại lý cũng không nhận.
Bà Nguyễn Thị Lệ, bán vé số tại Cà Mau cũng cho biết: “Nghe nói được trả lại vé số ế nhưng tôi chưa từng trả lại bao giờ. Gần năm nay, tôi đã bị ôm vé số 4 lần mà không có lần nào dưới 500.000 đồng. Tính ra bán kiểu này càng bán càng thiếu nợ. Mà không bán giờ cũng không biết làm gì để có tiền trả nợ”.
Bà Nguyễn Thị Mai, tại TP Cà Mau, mỗi ngày bán 100 tờ nhưng không bán hết, đành chấp nhận chia lại lỗ vốn cho những người khác bán. “Có khi cũng không ai nhận luôn, đành ôm vé số ế, coi như ngày đó là không có cơm ăn, chỉ ăn mì đỡ ngày hôm sau đi bán tiếp”.
Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Văn Vinh (52 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cố nhoài người ra giữa đường, tay cầm xấp vé số vẫy vẫy mời người mua. Ông Vinh than: “Bữa nay thứ bảy mà bán ế quá. Phải như mấy hôm trước có khi tui bán hết rồi”.
Để sống được với nghề này, ông Vinh đã chấp nhận rủi ro bỏ xe lăn trên vỉa hè rồi bò xuống lòng đường để chào mời. Hai chân bị liệt, nhưng hầu như lúc nào ông Vinh bán vé số cũng chỉ bò, lết, chứ rất hiếm khi ngồi xe lăn. Bởi theo ông, nếu ngồi trên xe lăn bán thì ít người ghé ủng hộ.
Nỗi khổ của đại lý vé số cấp 2, 3
Đại lý cấp 2 cũng không dám trả vé số đến đại lý cấp 1, vì mấy đại lý cấp 2 khác không trả, mà mình trả lại thì đại lý cấp 1 sẽ cắt số lượng vé của mình đưa cho đại lý cấp 2 khác không trả vé số ế, hoặc giao cho đại lý cấp 2 mới. Với đại lý cấp 1 và công ty xổ số cũng tương tự vậy. Vì thế theo hệ thống từ trên xuống bán không hết thì tự xử lý.
Một đại lý vé số ở Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho rằng trong 99% tỷ lệ tiêu thụ vé số của các công ty xổ số thì có 80% vé số được người chơi mua, còn lại là đại lý cấp 2 và cấp 3 “ôm” lại do ế khách, nhất là trong thời gian gần đây kinh tế suy thoái, người mua vé số giảm, người bán vé số lại tăng.
Vé số khan hiếm vì tình trạng thất nghiệp tăng
Một đại lý vé số tại Cần Thơ cũng cho biết do thất nghiệp tràn lan nên ngày nào cũng có người đến đại lý lấy vé số để bán, nhưng không có vé số để giao. Do vậy nên vé số khan hiếm và hút hàng, không có người này bán thì cũng có người khác thay thế, công ty không lo thiếu đầu ra.
Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng đã tiếp tục yêu cầu đại lý nhận lại vé số ế từ người bán dạo theo nghị quyết của hội đồng xổ số khu vực miền Nam.
Kết lại tình trạng các cấp đại lý cấp 1, 2, 3 vẫn còn phải “ôm” vé số ế do sơ mất đi kế sinh nhai trong lúc tình trạng kinh tế khó khăn. Xổ số Thiên Phú hy vọng các cấp lãnh đạo có các động thái hỗ trợ các đại lý cũng như người bán vé số, vì những con số lãi kỷ lục vừa qua của xổ số miền Nam một phần lớn là do nỗ lực của người bán vé số và đại lý.